Tết nguyên đán đã đến. Cũng như bao người dân Việt Nam, tôi đang chào năm mới – Năm Mậu Tuất. Nhưng cũng tại thời điểm này, tôi đang nghĩ đến một loài động vật rất đặc biệt, đó là Tê tê. Ngày 17 tháng 2 là Ngày Tê tê thế giới. Và các cá thể tê tê dù hiện nay ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu trên thế giới đều đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Theo một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, tê tê là loài động vật bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Đã có một số trường hợp khi bị bắt giữ người ta phát hiện cùng một lúc hơn 2000 cá thể tê tê. Đây không còn là những vụ săn bắn thông thường vì mưu sinh; mà là một tội phạm có tổ chức với quy mô rộng lớn đe dọa sự tồn tại của một trong những loài động vật có vú đặc biệt nhất trên thế giới.
Tê tê là loài động vật có vú duy nhất có vảy. Trong khi vảy của tê tê chỉ là phương tiện phòng thủ tuyệt vời chống lại sự tấn công của thiên nhiên, thì giờ đây nó lại là mục tiêu của loài người. Một số người tin, một cách sai lầm và không có bằng chứng cụ thể, rằng vảy của Tê tê có thể chữa được rất nhiều bệnh khác nhau, hoặc thậm chí có người còn tin rằng vảy Tê tê sẽ giúp kích thích tiết sữa cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Một số người khác thì cho rằng thịt Tê tê là một món thịt rừng hảo hạng. Trong khi đó, việc phá rừng và tốc độ phát triển đô thị và đất canh tác một cách không thương tiếc đã ngày càng thu hẹp môi trường sống của Tê tê.
Tất cả những yếu tố này rõ ràng đang gây tác động ghê gớm đến số lượng cá thể tê tê. Tại những vùng ở châu Phi và châu Á nơi trước đây Tê tê thường sống, thì cả 8 chủng loại tê tê đều có trong danh mục các loài động vật bị đe dọa, nguy cấp hay cực kỳ nguy cấp.
Khi nói đến buôn bán bất hợp pháp các sản vật của động vật hoang dã, chúng ta thường hay nghĩ Việt Nam là nước tiêu thụ hay là nước trung chuyển các sản vật của động vật quý hiếm – như ngà voi châu Phi hay sừng tê giác. Nhưng đối với loài Tê tê thì một trong những thách thức của Việt Nam là bảo tồn đa dạng sinh học quý hiếm của mình. Việt Nam là quê hương của hai chủng loại tê tê: Tê tê Java và Tê tê vàng (còn gọi là Tê tê Trung quốc), cả hai đều được cho là đang bị tuyệt chủng hàng loạt.
Nhưng cũng chưa quá muộn để tạo sự khác biệt. Nhiều thay đổi lớn đã đạt được so với năm 2014 khi tôi nhậm chức – đấy là chưa kể nếu so với những năm 1990 khi tôi lần đầu tiên đến Việt Nam làm việc. Khi đó, tình trạng buôn bán các loài động vật tuyệt chủng được “che dấu một cách sơ sài khiến ai cũng dễ dàng nhận ra”: nếu bạn biết tìm ở đâu, thì đáng thất vọng là bạn có thể dễ dàng tìm thấy các nhà hàng bán rất nhiều món ăn từ các thú rừng đã bị săn bắt bất hợp pháp trong đó có tê tê, hay tại các cửa hàng bán thuốc đông y có sử dụng các sản vật của động vật hoang dã. Khi đó có rất ít hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và nếu có chỉ là những hoạt động trong khuôn khổ các dự án của các tổ chức nước ngoài hay do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Số lượng tê giác sống trong rừng bị săn bắn đến tuyệt chủng.
Ngày nay, hoạt động buôn bán bất hợp pháp không còn quá lộ liễu. Số lượng các trường hợp buôn bán bất hợp pháp bị các cơ quan chức năng bắt giữ đang tăng lên. Việc sửa đổi Bộ Luật hình sự đã tạo điều kiện khởi tố thành công nhiều trường hợp buôn bán bất hợp pháp mà trước đây những kẻ vi phạm chỉ bị xử phạt “hành chính” (tức là nộp phạt với mức phạt rất nhỏ).
Điều đáng khích lệ nhất là tiếng nói của Việt Nam đang ngày càng có trọng lượng trong các nỗ lực bảo tồn và giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Liên quan đến tê tê, một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) là một ví dụ thực sự khích lệ. Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Giám đốc Nguyễn Văn Thái và các nhân viên của tổ chức đã xây dựng một trung tâm cứu hộ để cứu chữa và phục hồi sức khỏe cho những con tê tê được các cơ quan chức năng tịch thu từ những người buôn lậu, sống trước khi thả chúng về với thiên nhiên. Bên cạnh trung tâm cứu hộ này là một trung tâm giáo dục nhằm cung cấp cho trẻ em địa phương những kiến thức và giá trị của đa dạng sinh học của địa phương. Trong khi đó các chương trình nghiên cứu và bảo tồn của Trung tâm đã đem lại niềm hy vọng mới quan trọng cho loài Tê tê và những hành vi đối với loài động vật này.
Tôi tự hào khi có rất nhiều tổ chức, chuyên gia và tình nguyện viên của Anh Quốc đã tham gia vào cuộc chiến bảo tồn các loại động vật quý hiếm và đấu tranh phòng, chống buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã ở Việt Nam. Tôi cũng rất tự hào về những công việc mà Đại Sứ quán Anh tại Việt Nam đang làm nhằm kết nối các cơ quan hữu quan của Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trong nước cũng như ở nước ngoài, và tạo ra những điểm chung để đồng hành. Tuy nhiên với tôi dường như chính những hoạt động ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ trong nước như Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) sẽ tạo sự khác biệt lớn về lâu dài. Ngày 18 tháng 2 là ngày để nhắc nhở chúng ta về quy mô và mức độ trầm trọng của mối đe dọa đến sự tồn tại của loài tê tê (và nhiều loài động vật khác nữa) nhưng cũng là ngày để chúng ta khẳng định rằng thay đổi là điều có thể.