28th September 2017 Hanoi, Vietnam
Chậm thôi… để đi nhanh!
Bạn có biết ngày 28 tháng 9 là Ngày Quốc tế về Quyền biết? Không? Tôi cũng không biết cho đến khi các đồng nghiệp gợi ý tôi nên viết gì đó trên blog. Đối với hầu hết công chức của Chính phủ Anh, việc cung cấp thông tin cho công chúng là chức năng thứ hai của họ. Đó là vì Nghị viện Anh đã thông qua Luật về tự do thông tin vào năm 2000 và Luật này ghi nhận quyền pháp lý của công dân trong tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền tạo ra và nắm giữ. Chỉ riêng năm 2016, các cơ quan công quyền Anh ở cả cấp trung ương và địa phương, đã nhận được hơn 45.000 yêu cầu cung cấp thông tin. Đó là một con số rất lớn, có thể tạo gánh nặng đáng kể cho khu vực công. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin là rất cần thiết để thúc đẩy một chính phủ minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Theo “Báo cáo: Việt Nam 2035” của Ngân hàng Thế giới, minh bạch chính là yếu tố cốt lõi của quản trị tốt, cho dù đó là lĩnh vực công hay tư hay bất cứ lĩnh vực nào khác.
Năm nay, nhân Ngày Quốc tế về Quyền biết, tôi đã đề nghị cô Ngô Thị Thu Hà, Phó giám đốc của CEPEW- một trong những đối tác của chúng tôi, chia sẻ về công việc mà cô đang làm cùng với Đại sứ quán Anh để nâng cao nhận thức của công chúng về Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT) đã được Nhà nước Việt Nam thông qua và cô ấy đã đồng ý. Dưới đây là những chia sẻ của Thu Hà.
“Tại sao không tập huấn riêng cho người điếc?”, “Tại sao không tập huấn riêng cho người dân tộc thiểu số?”, “Khoá này chỉ dành cho thanh niên thôi đúng không?”… Đó là vài câu hỏi trong số những câu hỏi mà học viên và phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đặt ra cho Ban tổ chức khoá tập huấn về quyền tiếp cận thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9.
Đúng là việc tổ chức tập huấn riêng cho từng nhóm học viên sẽ dễ dàng hơn. Giảng viên sẽ “đi rất chậm” với người điếc vì người điếc chỉ có 4.000 từ trong kho tàng ngôn ngữ ký hiệu của họ. Giảng viên sẽ “đi nhanh hơn một chút” với người dân tộc thiểu số và dừng lại khi họ “phát sóng ngang” bằng tiếng mẹ đẻ để giải thích với những người không hiểu hết tiếng Việt phổ thông. Trong khi đó, thanh niên là những người quen dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội để tra cứu thông tin thì lại muốn giảng viên “đi nhanh”. Nhưng chúng tôi quyết định đi cùng nhau để cùng hiểu và tôn trọng sự đa dạng đối với từng cá nhân. Người trẻ bắt đầu hiểu về những rào cản xã hội mà người điếc và người dân tộc thiểu số gặp phải. Và người đa số kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của các nhóm người thiểu số.
Chủ đề của khoá học là “Thực hành quyền tiếp cận thông tin”. Chúng tôi cùng nhau học về tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và ý nghĩa của minh bạch thông tin trong phát triển cộng đồng. Chúng tôi cùng thống nhất rằng quyền tiếp cận thông tin là cần thiết để bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Chúng tôi thảo luận về nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong tôn trọng quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm quyền này đối với những nhóm dễ bị tổn thương như người điếc, người khuyết tật vận động, người dân tộc thiểu số. Và, chúng tôi cũng thảo luận việc làm thế nào để các nhóm dễ bị tổn thương không bị phân biệt đối xử trong quá trình tiếp cận thông tin. Chúng tôi cũng nghiên cứu Dự thảo Nghị định thực thi một số điều của Luật Tiếp cận Thông tin trên cơ sở đối chiếu dự thảo này với Hiến pháp 2013 và Luật TCTT gốc. Chúng tôi xác định những điểm mạnh và điểm cần hoàn thiện của bản Dự thảo để đưa ra những khuyến nghị gửi tới Bộ Tư pháp với hy vọng những khuyến nghị này sẽ được thể hiện trong bản Nghị định được Chính phủ thông qua.
Và bạn còn hỏi gì nữa không?
Phải rồi, “Chậm thôi nhưng hiệu quả” là cách mà chúng tôi làm để đạt được mục tiêu dài hạn trong thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Chỉ ba ngày tập huấn nhưng chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi ở từng học viên. Họ nhận thức rõ hơn về quyền của mình và trách nhiệm tôn trọng quyền, nghĩa vụ của người khác. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cổ vũ, khích lệ họ cũng như những thành viên khác trong các cộng đồng dễ bị tổn thương để cùng thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam.