4th July 2017 Hanoi, Vietnam
Phóng viên càng giỏi thì xã hội sẽ càng tốt đẹp hơn
Với những ai thường xuyên theo dõi trang Facebook UKinVietnam của chúng tôi sẽ biết rất rõ là Vương quốc Anh tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của một nền báo chí năng động. Báo chí đóng vai trò sống còn trong việc cung cấp thông tin xác đáng, và tạo cho mọi người cơ hội để tự do thảo luận và tranh luận về các vấn đề. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi tự hào về những công việc mà chúng tôi đã cùng hợp tác với các nhà báo chính thống và nhà báo công dân, với chính phủ và với xã hội dân sự nhằm mục đích thúc đẩy tính chuyên nghiệp, đạo đức báo chí và bảo vệ phóng viên.
Một nền báo chí tự do cũng sẽ thúc đẩy tính minh bạch. Chính phủ mới của Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết của mình trong việc xử lý tham những trong cả hai lĩnh vực công và tư, mối đe dọa lâu dài cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Và như ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn nhóm truyền thông của Đại Sứ quán chúng tôi tuần trước, báo chí nên đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực phòng chống tham nhũng.
Hàng năm, Liên hiệp quốc tổ chức hội nghị quốc tế kỉ niệm Ngày Quốc tế Tự do báo chí. Năm nay, hội nghị diễn ra ở Jakarta với chủ đề ‘Tư duy phản biện trong thời điểm trọng yếu: vai trò của báo chí trong việc đảm bảo một xã hội thanh bình, công bằng và vì mọi người’. Một trong những đối tác gần gũi với các hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam, anh Trần Nhật Minh của tổ chức xã hội dân sự về truyền thông RED Communications đã được mời tham dự hội nghị và đã tham gia thảo luận bàn tròn về việc làm thế nào để tăng cường tự do ngôn luận và an toàn cho các nhà báo ở khu vực Đông nam Á. Anh Minh đã đồng ý chia sẻ suy nghĩ và quan sát của mình trên blog này của tôi. Anh cho biết:
“Ở Đông Nam Á, hiện vẫn chưa có một cơ chế thẩm quyền độc lập trong khu vực có thể tăng cường , giám sát và bảo vệ quyền cơ bản của con người đó là quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin, tự do báo chí và an toàn cho phóng viên. Việc tạo ra một cơ chế như vậy, dù là dưới hình thức Báo cáo viên Đặc biệt, một hội đồng, hoặc một hình thức nào đó khác, sẽ có tác động tích cực cho sự phát triển chung của một môi trường báo chí tự do, độc lập và đa nguyên phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Để đạt được mục đích đầy tham vọng này RED có đề xuất thiết lập một hệ thống các tổ chức xã hội dân sự về báo chí để giám sát tự do ngôn luận và an toàn cho nhà báo. Dù hội nghị chưa đạt được sự đồng thuận về việc hình thành một cơ chế chính quy này nhưng chúng tôi cũng đã đạt được nhiều tiến triển và rất cần thiết để tiếp tục thảo luận về cơ chế này.”
Các đại biểu tham gia hội thảo đã kêu gọi các nước thành viên của UNESCO hỗ trợ phát triển báo chí chất lượng, báo chí điều tra và báo chí tự do để có thể cung cấp thông tin có chất lượng và chính xác và tạo không gian lành mạnh để cho công chúng thảo luận. Điều này, như chúng ta biết, sẽ thúc đẩy một xã hội thanh bình, công bằng và vì mọi người – chính là chủ đề của Ngày Quốc tế Tự do Báo chí năm 2017. Đó cũng là một trong những mối quan tâm chung của chúng ta đó là Việt Nam tiếp tục phát triển một xã hội hiện đại và kiến tạo. Và khi tôi đang hoàn thành bài blog này, tôi nhớ đến câu nói của Warren Bufett –“Phóng viên càng giỏi bao nhiêu thì xã hội sẽ càng tốt đẹp bấy nhiêu. Ở một mức độ nào đó, người ta đọc báo để có thông tin cho mình – và thầy giáo mà càng tốt thì học sinh sẽ càng giỏi.”
Việt Nam xin cảm ơn bạn đã chia sẻ!!!