Trong một bài tiểu luận tựu đề “Lắng nghe” của mình, nhà văn Hy Lạp cổ Plutarch có đề cập đến quá trình giáo dục: “Tâm trí không cần phải làm đầy giống như cái chai. Hơn thế, giống như gỗ, tâm trí cần một ngọn lửa để tạo động lực tư duy độc lập và một khát khao cháy bỏng vì chân lý.”
Tôi đã đọc được câu này khi còn là sinh viên đại học. Mặc dù Plutarch sống cách chúng ta 2.000 năm, tôi nghĩ đây vẫn là một trong những câu nói thông minh nhất về giáo dục.
Tôi có cảm giác là chức danh của mình nên là Đại sứ về Giáo dục. Bởi Giáo dục là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và quan trọng trong mối quan hệ của nước Anh với Việt Nam. Và với một Đại sứ, điều đó có nghĩa là lịch công tác sẽ đầy ắp các sự kiện, lễ kỷ niệm, hội thảo về giáo dục. Những sự kiện này luôn hết sức thú vị và thường rất sống động. Tôi có thể kể ra đây một số sự kiện điển hình như:
– Gặp gỡ và tiễn các học giả mới được nhận học bổng Chevening chuẩn bị sang Anh theo học văn bằng thạc sỹ. Lắng nghe những thành công của các cựu Chevening: một trong số họ đã được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng của một ngân hàng lớn ở Việt Nam.
– Tham dự lễ tốt nghiệp và khai giảng một chương trình đào tạo liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và Anh Quốc. Hiện có hơn 40 khóa đào tạo liên kết theo hình thức này và đã đem lại cơ hội cho nhiều sinh viên có được bằng cấp do trường đại học Anh Quốc chứng nhận mà không cần phải mất 3 – 4 năm học ở nước ngoài.
– Gặp gỡ các bạn trẻ Việt Nam sôi động tại Triển lãm Giáo dục Anh Quốc thường niên – năm nay triển lãm giới thiệu 69 trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo của Anh Quốc,(còn thêm một gian giới thiệu cách thức xin thị thực vào Anh của Đại sứ quán). Có đến 8000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Anh, và chúng tôi muốn con số đó còn tăng lên nữa.
– Khai trương Viện Nghiên cứu và Đào tạo chuyên sâu liên kết Anh – Việt tại Đà Nẵng, cùng với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng Đại Học Aston của Anh Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ Viện phát triển năng lực tiến hành các nghiên cứu sau đại học có chất lượng quốc tế trong một số lĩnh vực như tài chính, viễn thông và khoa học đời sống.
– Thăm hệ thống Trường Quốc tế Anh, và chứng kiến các em học sinh Việt Nam thích ứng nhanh đến thế nào khi học tiếng Anh với các giáo viên người Anh.
– Tham gia Hội thảo của Hội đồng Anh về phát triển kỹ năng nghề nghiệp, cải cách chương trình giảng dạy và phát triển một khung quốc gia về chất lượng. Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, các trường đại học và các trường dạy nghề cần phải tạo ra các thế hệ sinh viên tốt nghiệp thỏa mãn được các yêu cầu của thị trường tuyển dụng hiện đại. Tôi rất tự hào rằng nước Anh, đại diện là Hội đồng Anh đang đóng vai trò chủ đạo trong các chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong chương trình quan trọng này.
Vậy thì, câu nói của Plutarh phù hợp ở chỗ nào? Thực ra, chủ đề chung cho tất các các sự kiện trên là tầm quan trọng của phát triển “kỹ năng mềm” trong tất cả các loại hình giáo dục. Không chỉ là thấm nhuần kiến thức chuyên môn, quan trọng như là câu nói của Plutarch “làm đầy cái chai”, mà còn khuyến khích phát triển các kỹ năng sống như làm việc nhóm, tự tin và sáng tạo. Và trên tất cả là nâng cao khả năng, sự ham thích của sinh viên để tư duy và học hỏi một cách độc lập – như câu nói của Plutarch: “nhóm lên ngọn lửa”.
Một vị Tổng Giám đốc người Anh của một công ty công nghệ ở Việt Nam mới đây có nói với tôi rằng tốc độ phát triển công nghệ trong ngành công nghệ thông tin bây giờ rất nhanh, 50% kỹ sư máy tính có trình độ đại học sẽ bị lạc hậu sau 5 năm ra trường. Vì thế, nếu một kỹ sư muốn thành công trong sự nghiệp, người đó phải học suốt đời. Điều đó cũng có nghĩa là người đó phải tìm tòi, đánh giá và áp dụng thông tin mới một cách độc lập.
Tôi nghĩ đây là một phần lớn tạo nên một nền giáo dục Vương Quốc Anh vĩ đại (thật sự vĩ đại vì trong 20 trường Đại học hàng đầu trên thế giới Vương Quốc Anh có 6 trường, theo như xếp hạng của QS World University). Các sinh viên ở Anh được khuyến khích không chỉ thu nạp thông tin, mà còn đặt câu hỏi, dám thách thức, tranh luận và tư duy theo lối phản biện. Nói cách khác đó là: học cách học.
Giáo dục là một phần trọng tâm trong văn hóa Việt – sắp tới chúng ta sẽ thấy các hoạt động kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Một câu thành ngữ của Việt Nam mà tôi rất thích: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Tuy nhiên việc thách thức sinh viên tư duy một cách độc lập chưa thực sự là vấn đề chính của giáo dục Việt Nam. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng đã có những thay đổi bước đầu, nhờ vào một phần các hoạt động hợp tác tôi vừa nêu ở trên. Tại những sự kiện đó, tôi thấy nhiều “gỗ đang bén lửa”. Tôi chúc các bạn thành công trong những hành trình học tập suốt đời của các bạn.